You are currently viewing Các thể loại và phong cách nhiếp ảnh

Các thể loại và phong cách nhiếp ảnh

Thế giới nhiếp ảnh thật sự rộng lớn và có rất nhiều thể loại và phong cách khác nhau – từ ảnh chân dung, báo chí đến ảnh sản phẩm. Hãy cùng chúng tôi điểm qua các thể loại và phong cách nhiếp ảnh chính để bạn cũng sẽ không bị mông lung khi lựa chọn hoặc tìm kiếm một thể loại phù hợp với mình.

Theo như Adobe, có 28 thể loại và phong cách nhiếp ảnh chính được chia ra làm các nhóm chính như sau:

Nhiếp ảnh về thế giới tự nhiên

Dành cho những người đam mê cây cối, dộng vật hoặc các hoạt động ngoài trời

Ảnh thiên nhiên

Thế loại nhiếp ảnh đòi hỏi sự kiên nhẫn và sáng tạo để có thể có những tác phẩm đẹp. Ảnh thiên nhiên luôn là một thách thức lớn với các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp do những điều kiện khắc nghiệt, sự thay đổi ánh sáng liên tục và sự “không hợp tác” của những loài động vật hoang dã. Như nhiếp ảnh gia Carli Davidson nói “Các nhiếp ảnh gia chụp ảnh trong Studio thường gặp ác mộng khi phải chụp ảnh ngoài thiên nhiên vì đây là môi trường không thể kiểm soát”.

Những nhiếp ảnh gia thiên nhiên là những người có khả năng lập kế hoạch tuyệt vời, họ cần có khả năng nghiên cứu và dự báo để đảm bảo không phải ra về tay trắng. Điều này bao gồm việc lựa chọn địa điểm, thời điểm trong ngày và ánh sáng một cách có chiến lược. Buổi sáng sớm và chiều xẩm tối là thời gian tốt để chụp ảnh. Thiết bị và trang phục cũng rất quan trọng, cần đảm bảo cho cơ thể có thể ở trong môi trường khắc nghiệp cả ngày cũng như thiết bị được bảo vệ tốt nhất trước mưa và nắng. Pin dự phòng và ống kính thay thế cũng cần đảm bảo đầy đủ cho buổi “săn ảnh”.

“Bạn không cần nhiều thiết bị chuyên dụng, điều quan trọng nhất khi chụp ảnh thiên nhiên là đưa bản thân vào thiên nhiên” – Jeff Carlson.

Ảnh: Adobe
Ảnh: Adobe

Ảnh phong cảnh

Bạn đứng trước một quang cảnh hùng vĩ, bạn vừa chụp lại một bức ảnh và xem lại thì thấy không có sự hùng vĩ nào hiện lên trên màn hình cả. Có vấn đề gì vậy? Câu trả lời là bạn cần biết cách đóng khung bức ảnh của mình bằng bố cục.

Jeff Carlson, một nhiếp ảnh gia phong cảnh kỳ cựu, khuyên rằng, “Theo một nghĩa nào đó, chụp ảnh phong cảnh có thể dễ dàng vì không có nhiều thay đổi — cây cối của bạn sẽ không chạy ra khỏi núi. Vì vậy, bạn có thể có thể kỹ càng hơn một chút trong việc đóng khung và bố cục cho bức ảnh”. Lời khuyên của ông: hãy lưu ý đến các hình dạng lớn, các đường nét và chọn điểm lấy nét của bạn. Zabih nhắc nhở những nhiếp ảnh gia phong cảnh đầy tham vọng rằng “mặc dù đó là phong cảnh, nhưng vẫn cần có một chủ thể ở đó mà bạn nên tập trung lấy nét vào nó. Nếu bạn đang chụp ảnh một ngọn núi, bạn không nên lấy nét vào một mảng cỏ ngẫu nhiên nào đó ở bên trái”

Trong nhiếp ảnh phong cảnh, chỉ có ánh sáng là đối tượng di chuyển. Cùng một khung cảnh đó nhưng ảnh sách của các thời điểm trong ngày sẽ làm cho nó trở nên khác biệt hơn. Vì vậy, hoặc là nhiếp ảnh gia cần tính toán trước thời điểm nào mình muốn chụp hoặc sẽ ở lại cả ngày tại khung cảnh đó để bắt được mọi khoảnh khắc khác nhau của nó.

Các nhiếp ảnh gia thường lựa chọn các ống kính có tiêu cự 30mm hoặc nhỏ hơn cho ảnh phong cảnh, vì các ống kính này có thể lấy được khung cảnh rộng lớn.

Ảnh: Adobe
Ảnh: Adobe

Ảnh thiên văn

Bầu trời đêm thường là cảm hứng cho các nhiếp ảnh gia chụp ảnh thiên văn. Để chụp được ảnh thiên văn đòi hỏi nhiếp ảnh gia nắm rõ kỹ thuật “phơi sáng” – tốc độ đóng màn trập rất dài. Vì máy ảnh là đứng yên nhưng Trái Đất và các hành tinh không ngừng chuyển động nên hiệu ứng thu được từ những tấm ảnh có thể sẽ rất bất ngờ.

Ảnh: Adobe

Ảnh những cơn giông

Ảnh: Adobe

Các cơn giông và sấm sét thường khó đoán trước khiến chúng trở thành một chủ đề nhiếp ảnh hấp dẫn. Những bức ảnh ghi lại cảnh sét đánh và những cơn giông thường khiến người xem thích thú và ấn tượng. Không có hai tia sét nào giống hệt nhau, bạn không bao giờ biết mình sẽ có thể chụp được những hiện tượng hiếm gặp nào.

Tuy nhiên, vấn đề an toàn cho con người và thiết bị phải được đặt lên hàng đầu khi thực hiện những shoot ảnh hoành tráng nhưng đầy rủi ro này.

Ảnh thú cưng

Những người chủ yêu thú cưng của họ, và tình yêu đó thúc đẩy ngành dịch vụ chụp ảnh thú cưng phát triển. Cho dù là ảnh chụp chung cùng gia đình chủ hay những tấm anh riêng của chúng, chủ nuôi đều mong muốn những bức ảnh thú cưng của họ khác biệt so với những bức ảnh thông thường chụp bằng điện thoại hàng ngày. Việc chụp ảnh thú cưng đòi hỏi nhiếp ảnh gia sự kiên nhẫn, sáng tạo và luyện tập không ngừng cùng với một tình yêu với động vật.

Ảnh cận cảnh (macro)

Chụp con trùng và các vật thể nhỏ bé khác sống trong thể giới tách biệt với hầu hết các bức ảnh khác, đó là một thể giới xa lạ khi bạn bước vào cấp độ chụp ảnh cận cảnh.

Nhiếp ảnh cận cánh là giúp nhìn rõ những chủ thể vốn rất bé trong thực tế, phóng to nó lên nhiều lần giúp chúng ta thấy nó rõ hơn.

Ảnh: Unsplash

Ảnh hoa

Hoa là chủ đề tự nhiên – mỗi loài hoa là sự kết hợp của hình dạng, cấu trúc và màu sắc. Chụp ảnh hoa là một hình thức tôn vinh vẻ đẹp của nó và là cách hiệu quả để thực hành và cải thiện các kỹ năng nhiếp ảnh khác nhau. Thay đổi các kỹ thuật, góc máy và cài đặt máy có thể tạo ra những bức ảnh khác lạ và thú vị về hoa, do vậy ảnh hoa thường được dùng làm bài tập cho những nhiếp ảnh gia mới.

Ảnh: Adobe

Chụp cảnh quan thành phố và các công trình kiến trúc

Ảnh kiến trúc

Từ ảnh chụp các toà nhà chọc trời đến những công trình kiến trúc phong cách Gothic, nhiếp ảnh kiến trúc là tất cả về cách thể hiện các góc nhìn thú vị về các công trình và làm nổi bật các điểm hấp dẫn của chúng. Một ống kính góc rộng và kiến thức về cách chụp trong ảnh sáng tự nhiên sẽ rất hữu ích cho phong cách ảnh này.

Photo by Lance Anderson on Unsplash

Ảnh bất động sản

Mang tính chất thương mại hơn, ảnh bất động sản là sự kết hợp giữa nghệ thuật và góc nhìn kinh doanh. Để thành công trong thể loại ảnh này bạn cần phải hiểu về cả hai lĩnh vực này. Thách thức trong thể loại ảnh này là sự phát triển phong cách nghệ thuật cá nhân của bạn, có một phong cách nhất quán và nổi bật sẽ giúp bạn có nhiều cơ hội hơn. Trong thể loại này, cái nhìn và cách xử lý về bố cục và ảnh sáng trong quá trình chụp là vô cùng quan trọng.

Ảnh: Adobe

Ảnh drone

Máy bay không người lái (drone) có thể mang lại những góc nhìn, những góc chụp độc đáo mà trước đây con người khó có thể thực hiện được. Tuy nhiên, chi phí mua, học điều khiển cùng những rào cản về pháp lý có thể cản trở các nhiếp ảnh gia tiến đến với thể loại ảnh này.

Một trong những kỹ thuật phổ biến nhất của ảnh drone là chụp thẳng từ trên cao xuống. Nó giúp người xem thấy toàn cảnh từ trên cao và thấy được những điều thú vị mà trước đây không nghĩ là có thể chụp được.

Ảnh: Adobe

Ảnh chụp từ trên không

Bao gồm bất kỳ bức ảnh nào được chụp từ trên cao, kể cả ảnh drone. Bạn có thể thử sức bằng những tấm ảnh chụp từ trực thăng hay trên đỉnh của những toà nhà chọc trời.

Làm việc với con người

Ảnh chân dung

Những nhiếp ảnh gia chụp ảnh chân dung là những người thành thạo về thiết bị, ánh sáng và khả năng kết nối với chủ thể. Một bức ảnh chân dung tuyệt vời không chỉ là một bức ảnh đẹp về ai đó, mà còn giúp kể câu chuyện về họ.

Anthony Pidgeon, một nhiếp ảnh gia chuyên ảnh chân dung giải thích “Một bức ảnh chân dung tuyệt vời phụ thuộc rất lớn vào việc xây dựng sự kết nối, mối quan hệ với chủ thể. Ngoài kỹ thuật thì sự tương tác, cộng tác giữa nhiếp ảnh gia và chủ thể để tìm cách thể hiện một điều gì đó, một thông điệp nào đó là rất quan trọng. Có một yếu tố thêm vào là sự tin tưởng: Họ có tin tưởng bạn không? Bạn có tin tưởng họ sẽ gắn bó với bạn trong suốt quá trình không? Mối quan hệ đã được thiết lập chưa? Sau đó, bạn có thể tìm ra cách thể hiện tốt nhất điều đó bằng ánh sáng, tạo dáng và bố cục”

Ảnh chân dung cận mặt (headshot)

Một hình thức thương mại hơn của nhiếp ảnh chân dung, headshot là những bức ảnh chuyên nghiệp được sử dụng cho sơ yếu lý lịch, trang web cá nhân và mạng xã hội.

Một bức ảnh chân dung cận mặt thành công sẽ cho người xem biết về ai đó. Không giống như ảnh hộ chiếu, ảnh giấy phép lái xe hoặc ảnh ID chỉ cho bạn biết một người trông như thế nào, ảnh chân dung cận mặt cần truyền tải nhiều hơn – thái độ, tính cách và cá tính của đối tượng. Để có một bức ảnh chân dung cận mặt đẹp, nhiếp ảnh gia cần biết họ đang chụp ảnh chân dung của ai và sẽ sử dụng nó như thế nào?

Để thành công trong lĩnh vực này, đòi hỏi nhiếp ảnh gia phải rèn luyện các kỹ năng giao tiếp giúp chủ thể thấy thoải mái và bộc lộ được cá tính của họ.

Ảnh thời trang

Nhiếp ảnh thời trang là sự giao thoa của nhiều thể loại ảnh. Đó là kết hợp giữa nhiếp ảnh sản phẩm, ảnh chân dung và thậm chí là ảnh nghệ thuật. Nó là sự kết hợp giữa nghệ thuật và thương mại. Nhiếp ảnh Flo Ngala cho biết: ‘Nhiếp ảnh thời trang là cách nhiếp ảnh gia sử dụng con mắt và góc nhìn của riêng mình để làm nổi bật, tuyển chọn và truyền đạt bất kỳ điều gì về thời trang.

Bản chất của ảnh thời trang là kể chuyện.

Ảnh: Adobe

Ảnh thể thao

Là bất kỳ thể loại ảnh nào tập trung vào thể thao. Khi văn hoá thể thao ngày càng phổ biến và hiện đang lan toả sang thời trang và văn hoá đại chúng, nhiếp ảnh thể thao đã mở rộng ra ngoài phạm vi báo ảnh và lan tới các lĩnh vực thương mại như: ảnh sản phẩm thời trang thể thao, biên tập và xây dựng hình ảnh cho các thương hiệu và vận động viên thể thao.

Ảnh: Adobe

Ảnh phóng sự

Ảnh phóng sự bao gồm những bức ảnh ghi lại thế giới như nó vốn có. Từ những bức ảnh về chiến tranh đến những bức ảnh về những con người trên phố, những bức ảnh này cung cấp cho người xem thông tin về những gì cuộc sống đang diễn ra và thậm chí trở thành một phần của lịch sử.

Ảnh: Adobe

Ảnh phong cách sống

Ảnh đường phố

Đường phố là nơi hoàn hảo cho các nhiếp ảnh gia sáng tác, thể loại ảnh này tập trung vào việc ghi lại cuộc sống hàng ngày diễn ra trên những con phố – từ một khu chợ nhộn nhịp đến một cảnh trong công viên địa phương. Nếu bạn đủ nhanh nhẹn và tinh tế để tìm ra những góc nhìn mới để thể hiện cuộc sống, bạn hoàn toàn có thể tạo ra những bức ảnh đường phố hấp dẫn.

Ảnh: Magnumphotos – Henri Cartier-Bresson

Ảnh cưới

“Ngày trọng đại” – đó là cách gọi của mọi người về ngày cưới của một cặp đôi. Đám cưới đòi hỏi phải lên kế hoạch rất nhiều để nó diễn ra suôn sẻ. Nhiếp ảnh gia chụp ảnh cưới là người phải thực hiện lượng công việc khổng lồ cho những buổi chụp pre-wedding và vào ngày lễ khi họ phải kết hợp góc nhìn về thời trang, sự kiện, chân dung và ghi lại sự kiện như một bộ phim tài liệu.

Photo by Nathan Dumlao on Unsplash

Ảnh thương mại

Ảnh ẩm thực

Khả năng chụp ảnh đồ ăn hấp dẫn có thể giúp nhiếp ảnh gia dành được những hợp đồng thương mại cho nhà hàng, dịch vụ lưu trú. Đây cũng là kỹ năng tuyệt vời để phát triển nếu bạn muốn thu hút sự chú ý từ mạng xã hội. Các nhiếp ảnh gia ảnh ẩm thực thậm chí có thể bán ảnh dưới dạng ảnh stock.

Ảnh: Adobe

Ảnh sản phẩm

Ảnh sản phẩm là một hình thức thương mại của nhiếp ảnh tĩnh vật. Việc tạo ra những bức ảnh sản phẩm chất lượng cao không phải điều đơn giản. Học cách tạo kiểu cách cho sản phẩm, thiết lập ánh sáng, cùng cách phối ghép các thiết lập máy ảnh khác nhau khá tốn thời gian.

Quá trình thực hiện các bộ ảnh sản phẩm cần sự phối hợp rất chặt chẽ giữa nhiếp ảnh gia và chủ sản phẩm nhằm đảm bảo những thông điệp và yêu cầu về hình ảnh sản phẩm được thể hiện chính xác nhất.

Ảnh: Adobe

Ảnh nghệ thuật

Ảnh tĩnh vật (still life)

Giống như phong cách hội hoạ tính vật, nhiếp ảnh tĩnh vật gồm các bức ảnh về các vật thể được sắp xếp theo bố cục cụ thể. Từ đĩa trái cây nhiều màu truyền thống, một bình hua Tulip hoặc một cốc latte đều có thể là chủ thể của một bức ảnh tĩnh vật.

Tạo ra một bức ảnh tĩnh vật đẹp và thành công là một nỗ lực của nhiếp ảnh gia, khó khăn là thế nhưng nó cũng là nơi đào tạo tuyệt vời cho các nhiếp ảnh gia mới vào nghề. Nó mang đến cơ hội thử nghiệm với ánh sáng, vật liệu, kết cấu trong một môi trường được kiếm soát.

Ảnh: Adobe

Ảnh Đen Trắng

Khởi nguồn của nhiếp ảnh là những bức ảnh đơn sắc, sử dụng các vật liệu có sẵn. Ngày nay, ảnh đen trắng vẫn được các nhiếp ảnh gia và người chơi ảnh lựa chọn như một thú vui hoặc một thử thách cho bản thân. Vì ảnh đen trắng loại bỏ hết sự phức tạp của màu sắc và chỉ tập trung vào đường nét, sự tương phản của các chủ thể cùng bố cục trong tấm ảnh nên mỗi cú bấm máy đều cần sự tính toán tỷ mỉ của nhiếp ảnh gia.

Ảnh: Fan Ho

Ảnh nghệ thuật (Fine Art)

“Nhiếp ảnh nghệ thuật là việc sử dụng nhiếp ảnh một cách có chủ đích như phương tiện nghệ thuật mà bạn lựa chọn, được sử dụng để thúc đẩy ý tưởng của nhiếp ảnh gia” – Giáo sư kiêm nhiếp ảnh gia Ariel Wilson giải thích. Sự khác biệt đó giúp ảnh nghệ thuật khác biệt với những hình ảnh được chụp nhanh bằng máy ảnh.

Khác với ảnh báo chí hoặc thương mại, “mỹ thuật là sự theo đuổi sở thích nhất định của một cá nhân mà không bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài” – Giáo sư kiêm nhiếp ảnh gia Adam Long giải thích. Nhiếp ảnh thương mại được tạo ra để bán, tạo ra doanh số. Ảnh báo chí và một số thể loại nhiếp ảnh tài liệu là để ghi lại sự thật.

Nhiếp ảnh nghệ thuật là cơ hội để nghệ sỹ khám phá ý tưởng và giao tiếp. Hình ảnh thu được có thể là phong cảnh, chân dung, ảnh tĩnh vật hoặc những hình ảnh trừu tượng.

Moon and Half Dome, 1960, by Ansel Adams (courtesy of The Ansel Adams Gallery)

Ảnh phơi sáng kép (Double exposure)

Trước thời điểm ảnh kỹ thuật số và các công cụ chỉnh sửa ảnh ra đời, ảnh phơi sáng kép chỉ có thể được chụp bởi các nhiếp ảnh gia nhiều kinh nghiệm – một tấm phim ảnh sẽ được chụp 2 lần để cho 2 khung cảnh xếp chồng lên nhau thay vì chỉ chụp 1 lần như thông thường.

Ảnh phơi sáng kép là cách để các nhiếp ảnh gia tạo ra thứ gì đó mà mắt thường không thể nhìn thấy, Nó mang đến cơ hội để các nhiếp ảnh gia vượt qua giới hạn sáng tạo để tạo ra những bức ảnh độc đáo và có ý nghĩa.

Ảnh: Adobe

Ảnh siêu thực

Chủ nghĩa siêu thức là một phong trào nghệ thuật bắt đầu vào những năm 1920. Năm 1924 – Andre Breton đã xuất bản tuyên ngôn của chủ nghĩa siêu thực, định nghĩa phong trào này là: “chủ nghĩa tự động tâm lý ở trạng thái thuần tuý… không có bất kỳ sự kiểm soát nào của lý trí, không bị bất kỳ mối quan tâm thẩm mỹ hay đạo đức nào tác động”. Chủ nghĩa siêu thực bao gồm kịch, văn học, thơ ca và tranh vẽ; các nghệ sỹ nổi tiếng có thể kể đến: Rene Magritte và Salvadore Dali.

Ảnh: Adobe

Ảnh trừu tượng

Vượt mọi giới hạn với ảnh trừu tượng. Nhiếp ảnh trừu tượng bao gồm những hình ảnh được tạo ra bằng các vật liệu và thiết bị nhiếp ảnh không liên quan trực tiếp đến thế giới vật chất. Các nhiếp ảnh gia trừu tượng sử dụng phối cảnh, chuyển động và ánh sáng để biến thế giới mà chúng ta nhìn thấy thành một hình ảnh bất ngờ, thường khó để nhận ra.

Ảnh: Adobe

Bất kể thể loại nhiếp ảnh là gì, khi một nhiếp ảnh gia nắm vững các kiến thức và kỹ năng nhiếp ảnh, họ hoàn toàn có thể theo đuổi thể loại nhiếp ảnh mà mình thích. Có thể trong tương lai sẽ xuất hiện thêm một số thể loại nhiếp ảnh mới do trí tưởng tượng và sáng tạo của con người là vô hạn. Rất mong qua bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về các thể loại nhiếp ảnh và có hứng thú để bắt đầu với một thể loại phù hợp với bản thân.

Dịch và tổng hợp bởi Luk Team.